Biện Pháp Tu Từ So Sánh – Bửu Bối Không Bao Giờ Lỗi Thời Của Người Trình Bày

Aristotle được biết đến như những nhà hùng biện lỗi lạc, người phát triển lý thuyết hùng biện trước công chúng thời Hi Lạp, Ai Cập Cổ đại. Và Ông cũng cũng là nhà khởi xướng & đặt nền móng trong việc nghiên cứu về tu từ học và hình thành nên bộ môn "Mĩ từ pháp".
Biện pháp tu từ so sánh là một trong những phép tu từ góp phần tạo nên bài trình bày vừa đầy sức mạnh vừa mang nét Nghệ Thuật của những diễn thuyết gia xưa cũng như nay.
Bản thân Quốc cũng rất thích sử dụng phép so sánh trong quá trình đào tạo hay giao tiếp thường ngày. Hôm nay có cảm hứng về đề tài này, nên ngồi nghiên cứu, viết đôi dòng chia sẻ cùng mọi người.
I. Đôi nét về: Tu từ so sánh
Nó được dùng để đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Nét tương đồng có tác động lớn đối với tâm trí người nghe, giúp người nghe liên hệ trực tiếp với cuộc sống của họ nên họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hiểu được thông điệp mà ta muốn chia sẻ. Hơn nữa, nó sẽ giúp thông điệp ta đưa ra mang tính thuyết phục cao.
II. Lợi ích:
1. So sánh vừa có tác dụng gợi hình, giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động; vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.
VD: Khi Quốc chia sẻ về chủ đề ước mơ cho các bạn học sinh sinh viên, để nói với các bạn về sự quan trọng của ước mơ, của mục tiêu Quốc dùng phép so sánh sau:
“Con người không có ước mơ cũng giống như bầu trời kia không có những vì tinh tú”.
2. Qua phép so sánh giúp ta biến những điều Trừu Tượng, phức tạp thành những điều đơn giản, dễ hiểu.
VD: Một câu chúng ta nghe rất đỗi quen thuộc mà người xưa đã khéo dùng phép so sánh:
“Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Hay chia sẻ của Thầy Thích Hạnh:
"Cũng giống như khi ta ngồi dưới gốc một cái cây vậy. Cái cây chẳng phải làm gì, trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới, bạn đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi."
3. Tuy so sánh hai vật khác hẳn nhau, nhưng phép so sánh làm điểm nổi bật chung của hai vật được đem ra so sánh, giúp người nghe nhận thấy ngay tầm quan trọng của sự vật/sự việc được nói tới.
VD: Đây là cách mà 1 người bán hàng về thiết bị an ninh đã tinh tế dùng phép so sánh để nói lên lợi ích dành cho khách hàng:
Lắp đặt hệ thống an ninh mới tại nhà cũng giống như có một sĩ quan cảnh sát đứng gác ở cổng 24h/ngày.
Với cách này, hỏi xem có khách hàng nào mà không thích cho được…lắp ngay cho bác chục cái.Hehe.
III. Các từ so sánh thường dùng:
"Là, như là, tựa như là, y như, y như là, hệt như, giống như, tựa như, tương tự như, cũng giống như".
IV. Tình huống ứng dụng
1. Bạn có thể sử dụng trong các tình huống cần sự giao tiếp khéo léo cho những tình huống nhạy cảm, bằng việc đưa ra phép so sánh cách tinh tế và kèm theo sự hài hước thông minh của mình.
VD: Tổng thống Obama đã sử dụng phép so sánh một cách khôn khéo để tránh nhắc trực tiếp đến vụ phát xít Đức tàn sát 6 triệu người Do Thái trong 1 bài phát biểu tại Israel năm 2013:
“Xây dựng nhà máy hạt nhân của Iran sẽ nguy hại đến mạng sống, giống như việc bạn phải sống trong một khu vực mà có nhiều láng giềng từ chối công nhận quyền được sống của bạn”.
VD: Còn đây là quan điểm ông Charles Koch đưa ra khi trả lời phỏng vấn về các ứng viên trong cuộc chạy đua tới vị trí Tổng thống Mỹ thời gian gần đây:
"Chọn Trump hay Clinton cũng giống như chọn ung thư hay đau tim".
2. Trong quá trình thuyết trình khi muốn diễn đạt những điều phức tạp liên quan đến quy trình, liên quan đến kỹ thuật chuyên môn ( Kỹ sư, IT, Bác sĩ…) mà để hiểu thì người nghe cần phải có sự am tường và nghiên cứu. Nhưng với biện phép so sánh, khi bạn dùng nó sẽ giúp người nghe không những HIỂU nhanh mà còn hứng thú hơn về điều bạn chia sẻ dù là họ không có chuyên môn về vấn đề đó.
VD: Một người IT khi chia sẽ về chủ để máy tính, cụ thể là nói về vai trò của cái CPU, anh ta nói như sau:
“Cái CPU trong chiếc máy tính của anh chị nó quan trọng lắm! Nó giống như "trái tim" trong cơ thể anh chị vậy, không có là không xong anh chị ạ”
3. Đối với những anh chị làm trong lĩnh vực đào tạo, giảng dạy bạn sử dụng biện pháp tư từ để giúp học viên dễ nắm bài học hơn.
VD: Về phần thực hiện ước mơ, mục tiêu, khi chia sẻ cho các bạn Quốc so sánh như sau:
“Quá trình các bạn thực hiện mục tiêu của chính các bạn cũng giống như việc bạn vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn càng nghĩ nhiều về điều mình muốn vẽ, nếu bạn hình dung ra những nét cọ bạn sẽ vương lên giấy, những gam màu mà bạn sẽ tô, thì bức tranh trong thực tế khi bạn vẽ xong sẽ càng giống với bức tranh trong tưởng tượng của bạn. Vậy bạn muốn tự tay vẽ nên bức tranh cuộc đời bạn hay để cho người khác nghĩ thay cho bạn, vẽ thay cho bạn đó là sự lựa và chọn của chính bạn”.
4. Trong huấn luyện nhân viên, nhiều khi bạn nói hoài, nói nhiều nhưng nhân viên không hiểu. Nhưng chỉ cần bạn đem điều đó so sánh với một hình ảnh đơn gian khác thì nhân viên bạn sẽ rất dễ để nắm.

VD: Khi đào tạo về sale, để nói về sự cần thiết phải lập kế hoạch trước mỗi cuộc gặp gỡ với khách hàng. Bạn có thể nói với nhân viên như sau:
Việc gặp gỡ tư vấn trực tiếp cho khách hàng mà không có sự chuẩn bị trước cũng giống như các em chơi một ván bài vậy. Các em sẽ không biết lá bài nào thuộc về mình cho đến khi người ta chia xong cho các em. Vậy thì hãy lên kế hoạch cho từng cuộc hẹn, để các em nắm được thế chủ động, biết mình sẽ làm gì và kết thúc khi nào.
Hãy ứng dụng, bạn sẽ thấy hiệu quả đầy bất ngờ đấy.
Nguồn: Nguyễn Thành Quốc
Nguyễn Thành Quốc
Anh là người sáng lập và điều hành Tâm Tâm Training từ 1/2016. Tâm Tâm Training là tổ chức đào tạo được tin yêu, tập trung nghiên cứu và triển khai những giải pháp về phát triển năng lực trình bày/thuyết trình/đào tạo/huấn luyện/diễn thuyết/hùng biện dành cho các cá nhân và tổ chức.

Các chương trình huấn luyện tiêu biểu được anh Nguyễn Thành Quốc thiết kế và trực tiếp đào tạo

Công thức góp phần tạo nên thành công trong đào tạo của anh Nguyễn Thành Quốc gói gọn trong trong 4 chữ T: Từ Tâm - Tâm Lý - Tâm Huyết - Truyền Cảm Hứng

 
Chia sẻ:

Bình Luận