Kỹ Năng Thuyết Trình – Cấu Trúc Bài Thuyết Trình

Một công trình tồn tại vững chắc với thời gian là nhờ kết cấu. Cũng làm từ cacbon nhưng Than bùn thì siêu rẻ còn Kim cương thì siêu đắt. Điều đó cũng bởi vì chúng có cấu trúc khác nhau. Tương tự như vậy, một bài thuyết trình có hay, có chặt chẽ thuyết phục người nghe hay không phụ thuộc nhiều vào cấu trúc của bải thuyết trình đó.
1. Dàn bài cơ bản
Dù một bài văn, một bài phát biểu đều có 3 phần: Mở đầu, Thân bài và Kết luận. Tuy nhiên, việc tổ chức và thể hiện các phần như thế nào thì lại là vấn đề khác. Hẳn là khi chuẩn bị bài thuyết trình, chúng ta đều có những câu hỏi trong đầu như: Làm thế nào để có một mở bài sắc nhọn lôi cuốn? Làm thế nào để có một thân bài chặt chẽ phù hợp? Làm thế nào để có một kết luận chắc chắn, dễ nhớ và đi vào lòng người? Cả ba câu hỏi trên có thể trả lời bằng một câu: Hãy thiết kế bài thuyết trình của ta giống như “Cái đinh”.  
Chức năng của từng phần:
Phần mở bài
Phần mở bài giống như cái Mũi đinh. Mũi đinh phải sắc nhọn thì mới xuyên được qua lớp gỗ đầu tiên. Vì vậy phần mở bài phải sắc xảo để có thể:
Thu hút người nghe
Tạo bầu không khí ban đầu
Giúp người nghe chuyển từ trạng thái thiếu tập trung sang trạng thái lắng nghe. 
Phần thân bài
Phần thân bài giống như cái Thân đinh. Thân đinh cần chắc chắn, độ dài vừa đủ, mức độ to nhỏ phù hợp với vật cần đóng đinh. Như vậy phần thân của bài thuyết trình cần được thiết kế phù hợp với trình độ người nghe, thời gian và bối cảnh của hội trường. Một bài thuyết trình quá ngắn với một khoảng thời gian quá dài không khác gì lấy đinh đóng guốc để đóng thuyền. Ngược lại một bài thuyết trình quá dài, nội dung phức tạp trong một khoảng thời gian quá ngắn thì không khác gì lấy đinh đóng thuyền đi đóng guốc. Vậy yêu cầu cần có là một độ dài phù hợp, nội dung phù hợp với người nghe. 
Phần kết luận
Phần kết luận giống như Mũ đinh. Hai mảnh gỗ không thể kết dính chặt chẽ vào nhau nếu như chiếc đinh không có mũ. Vậy người nghe cũng không thể nhớ được nội dung chính bài thuyết trình nếu như không có kết luận. Phần kết luận giúp cho thính giả nắm được những điểm chính của bài thuyết trình và lưu lại những ấn tượng về diễn giả và bài thuyết trình.
Khi ta đã xây dựng được dàn bài cơ bản, điều ta cần làm tiếp theo là làm thế nào để thể hiện các phần đó một cách sắc xảo, thú vị, đầy sức thuyết phục.
2. Cách thể hiện phần chính
Phần mở bài
Tạo sự chú ý:
Để trở thành một nhà thuyết trình chuyên nghiệp, thành công trong bài nói và gây ấn tượng ngay từ phút đầu tiên bạn phải nắm được tâm lý khán giả. Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi:
Có thể trong đầu họ vẫn đang là chuyện gia đình; hai người lâu không gặp lại; một vấn đề thời sự nóng hổi nào đó…mà bạn đã vội nói
Vội vàng và  không khéo léo luôn là nguyên nhân của sự thất bại. Vậy, nguyên tắc đầu tiên là phải biết “chuyển kênh” cho thính giả. Chuyển họ từ trạng thái nói chuyện riêng, nghĩ về một vấn đề nào đó sang trạng thái lắng nghe ta. Đây chính là điểm mấu chốt của điều khiển đám đông, ta phải biết đưa tất cả tâm trí, tình cảm, cảm xúc của thính giả về cùng một thời điểm (trạng thái), đó là chuẩn bị lắng nghe bài thuyết trình của ta.
Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học thì chúng ta chỉ có 20 giây đề gây ấn tượng ban đầu cho thính giả bằng các hành vi phi ngôn từ và chúng ta chỉ có 4 phút đầu tiên để gây ấn tượng với thính giả bằng những nội dung chúng ta nói.
Thính giả có tiếp tục nghe hay không phục thuộc rất nhiều vào những giây phút đầu tiên và cách ta thu hút sự chú ý của họ. Đây là phần khó khăn nhất trong thuyết trình vì:
Ta có thể tạo sự chú ý bằng nhiều cách khác nhau. Một số cách phổ biến là:
Dùng ví dụ, minh họa: Sử dụng chiếc đinh để minh hoạ bài thuyết trình “Cấu trúc thuyết trình”
Kể một mẩu chuyện có liên quan đến chủ để
Các câu/ tình huống gây sốc. Diễn giả có thể đưa ra các câu nói hoặc tình huống ngược lại với vấn đề thính giả đang quan tâm để gây sự chú ý.
 Số thống kê, câu hỏi hoặc trích dẫn. Hãy thổi hồn vào những con số khô khan ta có thế thu hút được sự chú ý của thính giả.
Ta cũng có thể nói lên cảm tưởng của bản thân khi bắt đầu thuyết trình để có được sự đồng cảm của thính giả
Còn rất nhiều cách khác mà chúng ta có thể sáng tạo ra hoặc đơn giản chỉ bằng việc kết hợp nhiều cách lại với nhau.
Tóm lại  “Thính giả chưa nghe thì đừng nói” và nắm giữ vũ khí mạnh nhất trong điều khiển đám đông là đưa tất cả hội trường về một.
Giới thiệu khái quát mục tiêu và nội dung chính:
Sau khi có được sự chú ý của thính giả, điều chúng ta cần làm tiếp theo đó là cho họ biết mục đích của bài thuyết trình là gì, họ sẽ nhận được gì từ đó. Mục tiêu thuyết trình không rõ ràng thì rất khó có thể thành công.
Diễn giả cũng cần phải giới thiệu khái quát những nội dung chính và lịch trình làm việc. Điều này giúp cho người nghe có định hướng để nắm bắt được từng nội dung của bài thuyết trình.
Sau đây là một vài ví dụ về những câu khái quát vấn đề:
Mục đích của bài thuyết trình là giúp các bạn trẻ xác định mục tiêu cho mình để thành công trong cuộc sống. Bài thuyết trình của tôi gồm 3 phần: Phần 1: Tại sao phải đặt mục tiêu; Phần 2: Kỹ năng đặt mục tiêu; Phần 3: Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về đặt mục tiêu.
Bài thuyết trình của tôi nhằm mục đích thuyết phục các anh chị áp dụng các biện pháp cải thiện tình hình công ty. Nội dung chính gồm 2 phần: Phần 1: Nâng cao tinh thần chủ động; Phần 2: Cắt giảm chi phí. 
Phần thân bài
Lựa chọn nội dung quan trọng:
Một lỗi thường gặp của các nhà thuyết trình là đưa quá nhiều nội dung vào bài thuyết trình của mình. Điều này  xảy ra do hai nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất là không xác định được đâu là thông tin bắt buộc thính giả phải biết, đâu là cần biết và nên biết.
Thứ hai là sợ thính giả không hiểu những gì mình nói. “Đa thư thì loạn tâm”.Nếu ta đưa quá nhiều nội dung vào bài thuyết trình có thể gây phản ứng ngược lại là làm thính giả rối trí không nhớ được gì.
Vậy trong phần thân bài cần thiết xác định được đâu là thông tin quan trọng bắt buộc ta phải trusyền đạt, đâu là thông tin cần truyền đạt và cuối cùng đâu là thông tin nên truyền đạt. Theo thứ tự này, căn cứ vào thời gian cho phép ta sắp xếp theo thứ tự từ thông tin bắt buộc đến cần và cuối cùng là thông tin nên biết. Thách thức lớn nhất đối với người thuyết trình đó là “giới hạn các điểm chính”.
Chia thành các phần dễ tiếp thu
Một bài thuyết trình thông thường được chia làm 2 – 6 phần. Các phần này được sắp xếp với nhau theo một trật tự lôgíc nhất định. Lôgíc có thể theo trình tự thời gian, có thể theo quan hệ nguyên nhân – kết quả....
Lựa chọn thời gian cho từng nội dung
Sau khi phân chia thành các phần cơ bản thì điều cần thiết là phải lựa chọn thời gian cho từng nội dung. Thông thường phần đầu nên ngắn gọn để gây cho thính giả cảm giác bài thuyết trình ngắn gọn và tăng mức độ tập trung.
Phần kết luận
“Lời nói gió bay” – đây chính  là sự biệt giữa văn nói và văn viết. Vì vậy trong thuyết trình luôn phải có kết luận. Trong khoảng thời gian tập trung vào phần thân bài, người nghe có thể mất tập trung nên có thể không tiếp thu được toàn bộ thông tin mà ta thuyết trình. Kết luận giúp người nghe tóm tắt lại những ý chính ta đã trình bày và hơn nữa kết luận chính là thông điệp cuối cùng ta gửi đến thính giả. Với thông điệp cối lõi này, thính giả có thể liên tưởng đến toàn bộ phần nội dung của bài thuyết trình.
Thông báo trước khi kết thúc
Việc thông báo này có thể thể hiện bằng những cụm từ như: Tóm lại...; để kết thúc, tôi tóm tắt lại...; Trước khi chia tay, tôi xin tóm tắt lại những gì đã trình bày... Việc thông báo này còn giúp thính giá chuẩn bị tinh thần để tiếp thu những thông tin cốt lõi nhất.
Tóm tắt điểm chính
Theo các nghiên cứu về thính giả thì khoảng thời gian bắt đầu thuyết trình và khoảng thời gian sắp kết thúc là hai khoảng thời gian mà độ tập trung chú ý của người nghe cao nhất. Vì vậy ta tóm tắt lại những điểm chính sẽ giúp thính giả nhớ khái quát và lâu hơn về nội dung ta đã thuyết trình. Việc tóm tắt có thể là nêu lại những đề mục kèm những ý cần nhấn mạnh.
Thách thức và kêu gọi
Mục đích cuối cùng của thuyết trình là thuyết phục người khác làm theo mình. Vì vậy phần kết luận chính  là phần kêu gọi, thúc đẩy người nghe đến hành động. Đây cũng là phần quan trọng  nhất của buổi thuyết trình, một lần nữa ta nhấn mạnhlại thông điệp muốn truyền đạt tới thính giả và các cam kết để thực hiện thông điệp đó.
“Làm cho người nghe đồng ý, đưa người nghe tới hành động”. Trong phần này ta có thể dùng một số động từ mạnh để hô khẩu hiệu: Quyết tâm, Sẵn sàng... hoặc có thể kêu gọi sự cam kết bằng hành động cụ thể như vỗ tay, giơ tay biểu quyết hoặc thực hiện ngay ví dụ như đóng góp từ thiện. Và không nên có những câu như "Trong lúc tang gia bối rối có điều gì sơ suất xin được lượng thứ..." sẽ làm không khí trở nên ảm đạm, nhạt nhòa, thiếu tự tin. 
Nguồn: Sưu Tầm Từ Internet.
Chia sẻ:

Bình Luận